Sở hữu sách từ nhỏ: Lợi ích cho bản thân và cộng đồng | Bài đã đăng trên Tia Sáng.
Giới thiệu nghiên cứu của Brunello, Weber và Weiss
Trong bài báo “Sách là vĩnh cửu: điều kiện sống của trẻ, giáo dục và thu nhập trọn đời ở châu Âu” của Brunello và cộng sự được đăng trực tuyến sớm1 trên The Economic Journal ngày 24/05/2016, tác giả đưa ra hai kết luận quan trọng. Một là, với mỗi năm học ở bậc cao hơn, thu nhập trọn đời tăng trung bình 9%. Hai là, có cùng số năm đi học tối thiểu, những người có ít hơn 10 cuốn sách ở nhà giai đoạn 10 tuổi chỉ tăng thu thập trọn đời được 5% trong khi những người có hơn 10 cuốn sách là 21%.
Kết luận trên lấy từ khảo sát SHARE (Survey on Health, Ageing and Retirement in Europe). Tham gia trả lời khảo sát là những người sinh trong giai đoạn 1920-1956 và sống ở chín nước châu Âu khác nhau: Áo, Bỉ, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Pháp, Séc, Thụy Điển, và Ý. Biến phụ thuộc được sử dụng là thu nhập trọn đời thay vì thu nhập hiện tại, vì theo lập luận của các tác giả, việc này giảm sai lệch trong trường hợp mẫu khảo sát có nhiều lao động lớn tuổi.
Mặc dù dữ liệu nghiên cứu không nêu rõ sách có được đọc hay không, số lượng được đọc là bao nhiêu, nhưng dường như có một mối quan hệ đồng biến giữa số lượng sách ở nhà và hoạt động đọc sách của trẻ. Số lượng sách ở nhà còn phản ảnh được điều kiện kinh tế xã hội của trẻ thụ hưởng. Kết quả không gây ngạc nhiên khi cho thấy, ở những gia đình có trụ cột làm việc văn phòng (white-collar), hầu như có ít nhất một kệ sách2. Thêm vào đó, 45% trẻ có bố mẹ làm công việc chân tay (blue-collar) ở nông thôn có ít nhất một kệ sách ở nhà.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng trẻ em trai ở nông thôn có nhiều sách ở nhà có xu hướng đi lên thành phố nhiều hơn và có công việc đầu tiên liên quan đến công việc văn phòng, so với nhóm có rất ít sách ở nhà. Những trẻ em có nhiều sách ở nhà, lớn lên trong môi trường văn hóa đa dạng hơn, có xu hướng sẵn sàng đương đầu với thử thách và sống ở thành thị.
Một số giải pháp tăng tỷ lệ trẻ Việt Nam đọc sách
Mẫu nghiên cứu nói trên có những điểm tương đồng quan trọng với Việt Nam hiện nay. Thứ nhất, xét về điều kiện kinh tế, thu nhập bình quân đầu người trung bình của các nước châu Âu trong nghiên cứu nói trên trong giai đoạn 1960 khoảng 2.000 USD, tương đương với Việt Nam hiện nay. Thứ hai, cấp học bắt buộc hiện nay ở Việt Nam tối thiểu là trung học cơ sở, tương đương độ tuổi tối thiểu bắt buộc đến trường ở châu Âu giai đoạn nghiên cứu là 14-15 tuổi. Thứ ba, sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị của châu Âu giai đoạn nghiên cứu còn rất rõ, khá giống với Việt Nam.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt quá lớn là ngay từ những năm 1960, ở nông thôn châu Âu, ít nhất 45% hộ gia đình có ít nhất một kệ sách. Trong khi đó tại Việt Nam, một khảo sát đầu năm 2015 của Vụ Thư viện, Bộ VHTT&DL trên 1.000 phiếu cho biết 26% số người được khảo sát không đọc sách, nhưng theo nhiều người, con số thực tế chắc chắn cao hơn nhiều.
Vì vậy, cần có một số giải pháp khuyến khích và tăng nhanh tỷ lệ đọc sách ở trẻ em Việt Nam.
Đầu tiên là cần có nguồn sách. Với những gia đình có thu nhập trung bình thì chi phí đầu tư cho sách là không lớn, có khi một chầu nhậu của phụ huynh có thể mua được ít nhất 4-5 cuốn sách. Nhưng đối với những gia đình còn khó khăn, nhất là ở vùng nông thôn, thì cần sự hợp lực của nhà nước và các chương trình xã hội hóa. Các thư viện xã phường cần được đầu tư và duy trì, vì thư viện phải có sách và được cập nhật, không nên là những căn phòng đẹp trống trải nhàm chán. Trong điều kiện còn khó khăn có thể triển khai chung cho 2-3 xã phường một thư viện tươm tất. Một chương trình nên được nhiều ủng hộ và nhân rộng là “Sách hóa nông thôn” của anh Nguyễn Quang Thạch cùng với nhiều mô hình Tủ sách khác. Tuy nhiên nguồn lực tài chính vẫn là một trở ngại. Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích những người có điều kiện làm thiện nguyện, bên cạnh những giúp đỡ cấp thiết, ngắn hạn, là những chương trình dài hạn như “ông Bên tử tế và KTX Cỏ May”. Chẳng hạn như ở Pháp, 66% khoản tiền cá nhân làm thiện nguyện được trừ vào thuế thu nhập (không quá 20% khoản thuế phải nộp).
Nhưng chất lượng sách cũng quan trọng không kém số lượng. Cần nhiều sách có chất lượng và đa dạng phù hợp với từng lứa tuổi. Muốn vậy, thu nhập của những người tham gia vào quá trình xuất bản sách có chất lượng phải được đảm bảo. Nguồn thu nhập chính từ bán sách nhưng cần có thêm các nguồn tài trợ khác. Một ví dụ là hiện nay có bộ sách Sputnik dành cho trẻ rất hay cũng như một số nhà xuất bản tư nhân năng động như AlphaBooks, Nhã Nam. Chúng ta hiện nay không có nhiều Tô Hoài, Nguyễn Nhật Ánh thì có thể chọn những đầu sách hay trên thế giới và biên dịch một cách chu đáo.
Khi đã có sách rồi thì khuyến khích tình yêu sách. Jacqueline Kennedy Onassis, phu nhân của Tổng thống John F. Kennedy từng nói “có nhiều cách đơn giản để mở rộng thế giới cho con trẻ – dạy cho con mê sách là cách tốt nhất”. Cổ xúy cho đọc sách bắt đầu từ phụ huynh, nhà trường và cộng đồng. Phụ huynh cùng tham gia với trẻ thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Về phía nhà trường, các hoạt động như “mỗi tuần một cuốn sách” để giúp cho trẻ thói quen đọc sách, qua việc chọn sách để đọc và tóm tắt giới thiệu cho các bạn khác. Về phía cộng đồng, những người có ảnh hưởng trong xã hội nên tham gia ủng hộ các hoạt động như hội chợ sách, triển lãm sách, như giáo sư Ngô Bảo Châu và một số nghệ sĩ, nhà báo nổi tiếng đã làm. Gần đây nhất, diễn đàn sách lớn nhất Việt Nam TVE-4U đang kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng trong dự án “Số hóa 1.000 quyển sách một thời vang bóng”. Các giải thưởng về sách cũng cần được nâng cao vị thế để khuyến khích nhiều người giỏi tham gia.
Với những lợi ích to lớn và dài lâu của sách, có người ví sách như kim cương vì cả hai cùng có giá trị vĩnh cửu. Mặc dù Internet và công nghệ có sức mê hoặc lớn, chiếm một phần không nhỏ quỹ thời gian của mỗi người, thì riêng với Việt Nam và người trẻ Việt Nam, hữu dụng biên (marginal utility) của sách còn rất lớn. Có được thói quen sở hữu và đọc sách từ rất sớm sẽ đem lại nhiều lợi ích dài hạn không chỉ cho bản thân mà còn cho cả cộng đồng.
——————-
1. Bài được chấp thuận đăng, được đưa lên Internet trước khi in chính thức.
2. Một kệ sách : 11-25 quyển ; một tủ sách : 26-100 quyển; hai tủ sách : 101-200 quyển.