Mô hình tăng trưởng mới: TFP và năng suất lao động
Theo báo cáo “Việt Nam năng động - tạo nền tảng cho một nền kinh tế thu nhập cao” được công bố vào tháng 5-2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã đến lúc cần chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng của mình. Chắc hẳn đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên với quá trình chuẩn bị các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Thật vậy, dự thảo đã đề cập đến mục tiêu phát triển của Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tầm nhìn năm 2045 là một nước phát triển, thu nhập cao.
Các yếu tố tác động lớn đến mức tăng trưởng năng suất lao động
Bốn trụ cột ưu tiên theo báo cáo là cần có doanh nghiệp năng động, cơ sở hạ tầng hiệu quả, lao động có kỹ năng và cơ hội cho tất cả mọi người, và nền kinh tế xanh. Tuy vậy, báo cáo này cũng không quên nhắc lại sự quan trọng của cải cách thể chế với câu hỏi: hệ thống sẽ tự chuyển đổi bởi những lý do bên trong (yếu tố nội sinh) hay từ tác động bên ngoài (yếu tố ngoại sinh)?
Ba vấn đề cốt lõi là thể chế, nguồn nhân lực, và hạ tầng đã được xác định từ Đại hội Đảng lần thứ XI, XII. Các vấn đề như phát triển kinh tế tư nhân, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao, tăng trưởng đi đôi với môi trường bền vững, chất lượng cuộc sống đã có trong các nghị quyết quan trọng, từ của Đảng đến Quốc hội rồi Chính phủ.
Để đạt được mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người, dĩ nhiên cần tăng trưởng kinh tế. Hiện nay nhiều nhà kinh tế “ưa thích” mô hình tăng trưởng của Solow-Swan (thường gọi là mô hình Solow), giải thích sự tăng trưởng không chỉ phụ thuộc vào vốn, lao động, mà còn là năng suất yếu tố tổng hợp (TFP). Trong các yếu tố này, lao động và TFP ngày càng trở thành động lực tăng trưởng chính của nhiều nền kinh tế.
Đối với những nền kinh tế có lợi thế về lực lượng lao động bị chững lại hay bước vào xu hướng giảm, năng suất lao động trở thành động lực chính của tăng trưởng. Từ mô hình tăng trưởng Solow, chúng ta có thể thấy rằng tăng trưởng của năng suất lao động, được đo bằng giá trị gia tăng được tạo ra (output) của một lao động hay một giờ làm việc (hour worked), chính là tổng của tăng trưởng TFP và tăng trưởng thâm dụng vốn (capital deeping).
Việt Nam sau hơn 30 năm có nền kinh tế phát triển đầy ấn tượng, đã đến lúc không thể tiếp tục dựa vào nguồn vốn tự nhiên và vốn nhân lực giá rẻ. Thay vào đó, mô hình tăng trưởng phải chú trọng đến TFP, và từ đó là năng suất lao động. Muốn vậy, Việt Nam nên sắp xếp các ưu tiên của mình như thế nào với những giới hạn nhất định?
Đã có nhiều nghiên cứu thực chứng chỉ ra rằng, đối với các nền kinh tế đang phát triển, các yếu tố như giáo dục, đầu tư vào công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng, FDI, mức độ hiệu quả của thị trường, và thể chế có tác động lớn đến mức tăng trưởng năng suất lao động.
Cách tiếp cận nào cho Việt Nam?
Thứ nhất, cần đo được mức tăng năng suất lao động của cả nền kinh tế và của các ngành có đóng góp đáng kể vào GDP. Thách thức lớn của Việt Nam là việc thống kê lực lượng lao động hay số giờ làm việc thực sự, vì lao động phi chính thức còn chiếm tỷ trọng cao trong tổng số lực lượng lao động.
Thứ hai, cần lưu ý đến những dấu hiệu mang tính cảnh báo khi ngành nào đó có tốc độ tăng trưởng năng suất lao động âm liên tục một số năm, hay giai đoạn trước đang tăng trưởng cao, bất ngờ chững lại hay giảm mạnh. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến những ngành có tốc độ tăng trưởng thấp hơn mặt bằng chung của khu vực hay các nền kinh tế tương đồng, vì sự chênh lệch này có thể bắt kịp được.
Thứ ba là không nên so sánh năng suất lao động theo con số tuyệt đối giữa các nền kinh tế, tính theo bình quân lao động. Chẳng hạn so sánh năng suất lao động giữa Việt Nam với Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore vì dù có tính theo tỷ giá ngang giá sức mua (purchasing power parity exchange rates) thì vẫn có những sai số nhất định do việc lựa chọn hàng hóa hay dịch vụ đưa vào mẫu so sánh. Thay vào đó, so sánh tốc độ tăng trưởng của chính mình qua thời gian, của cả nền kinh tế và của từng ngành, hoặc so sánh với tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của các nền kinh tế tiệm cận trên.
Thứ tư, cần phân chia các giải pháp theo khung thời gian thực hiện là ngắn hạn, trung hạn, hay dài hạn. Các yếu tố như giáo dục, công nghệ, hạ tầng, FDI, thể chế đều quan trọng với việc gia tăng năng suất lao động của Việt Nam nhưng có lĩnh vực có thể cải thiện trong vài năm, có lĩnh vực phải cần 10, 20 năm.
Những yếu kém về công nghệ và trình độ quản lý, hạ tầng có thể khắc phục được trong thời gian ngắn vì sự dịch chuyển của đầu tư nước ngoài mang theo công nghệ và quy trình, tính di dộng (mobility) của các chuyên gia. Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là khả năng hấp thụ sự chuyển giao qua trình độ kỹ năng của lao động trong nước thông qua giáo dục - đào tạo.
Một thế hệ được đào tạo hoàn chỉnh cần ít nhất khoảng 20 năm qua các bậc học. Nhu cầu của thị trường lao động ngày càng chuyên biệt và hướng về kỹ năng nhiều hơn kiến thức nên những thay đổi trong hệ thống giáo dục - đào tạo sẽ không dễ dàng vì có những xung đột giữa cái mới và cái cũ. Áp dụng nhiều công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, quản lý cũng sẽ làm giảm thâm dụng lao động, tăng thâm dụng vốn. Ngoài ra, cũng cần để ý rằng năng suất lao động còn phụ thuộc vào thể trạng sức khỏe, điều kiện và môi trường làm việc của người lao động.
Các yếu kém về thể chế cũng đã được nhìn nhận trong việc kềm chế sự phát triển của Việt Nam nhưng những cải tổ vẫn chưa thực sự mạnh và nhanh như kỳ vọng. Các vấn đề cốt lõi như cải cách tiền lương công chức - viên chức, tách bạch vai trò lãnh đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương, tính thực thi nghiêm minh của luật pháp cần sự thay đổi tích cực từ bên trong hơn là bị động thay đổi bởi các tác nhân bên ngoài.
Chính phủ đang chuẩn bị phê duyệt kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất lao động dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, và đổi mới sáng tạo với mục tiêu và giải pháp đến năm 2025, 2030. Dẫu biết rằng kế hoạch này đặt nặng tầm quan trọng vào khoa học, công nghệ, nhưng năng suất lao động còn phụ thuộc vào các yếu tố khác quan trọng không kém như giáo dục, thể chế, đầu tư nước ngoài có hàm lượng chất xám cao. Các yếu tố này tương sinh với nhau trong một hệ thống động (dynamic) với khung thời gian và độ trễ khác nhau.
Điều quan trọng cuối cùng, như báo cáo của WB có nhắc đến: Việt Nam khởi đầu thành công nhưng mới đi được nửa chặng đường, quãng đường còn lại phải điều chỉnh mô hình, quyết tâm đồng lòng thực hiện các mục tiêu và giải pháp đã lựa chọn.
Bài đã đăng ở đây