HỌC KHÔNG BIÊN GIỚI
Thời gian gần đây từ tài khoản LinkedIn cá nhân, Chàng-Ngốc-Già thấy có nhiều bạn trẻ ở Việt Nam hồ hởi khoe rằng mình đã hoàn thành khóa học online này, có được chứng chỉ online kia. Mình cũng chung vui với các bạn vì đây là những chương trình uy tín, phải kiên trì và dành nhiều thời gian. Các bạn đã hoàn thành chứng tỏ khả năng tiếng Anh đủ tốt, gặt hái được lượng kiến thức hay kỹ năng tối thiểu theo yêu cầu, và quan trọng hơn là sự kiên trì với kế hoạch đã đặt ra. Bởi vì ngay bản thân CNG, có một số khóa học đã đăng kí nhưng không biết khi nào mới hoàn thành được.
Nhưng vì sao trước đó ít bạn quan tâm đến các chương trình này trong khi các khóa học trên Coursera, edX, Udemy đã có từ lâu ? Lý do không thể nào khác hơn là Covid-19.
Vì giãn cách xã hội, làm việc từ xa nên tính ra một ngày làm việc, một người có thể tiết kiệm được được 2-3h mỗi ngày từ thời gian đi lại, tán gẫu với đồng nghiệp. Ngay như bản thân tôi, học kỳ vừa rồi giảng dạy 100% online, thì mỗi ngày có thêm khoảng 2h do không phải đi đến trường bằng phương tiện công cộng, và thời gian coffee-break với đồng nghiệp cũng không còn.
Các nền tảng học online được dự báo là sẽ làm thay đổi rất nhiều diện mạo của ngành giáo dục. Riêng thị trường e-learning năm 2020 ước tính có giá trị 250 tỷ USD, và ước tính đến năm 2027 là cán mốc nghìn tỷ USD. Covid-19 mặc dù gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, nhưng ở một khía cạnh nào đó, nó đã thúc đẩy nhanh hơn chuyển đổi số, thương mại điện tử, giáo dục online, cũng như một số lĩnh vực khác.
Các khóa học online vì có đặc tính lợi thế theo quy mô khi chi phí sản xuất không đổi, càng nhiều người đăng kí học thì chi phí phân bổ cho mỗi người học càng thấp nên các nền tảng sẵn sàng đầu tư nhiều cho những khóa học có chất lượng: đầu tư về kỹ thuật để người học có trải nghiệm tốt nhất và trả thật cao để thu hút giảng viên giỏi có khả năng truyền đạt hấp dẫn.
Và đây cũng chính là thách thức không hề nhỏ cho các trường đại học truyền thống. Khi mà các công ty tuyển dụng ngày càng dựa vào khả năng thực tế của ứng viên qua các vòng kiểm tra, các dự án đã tham gia thì các chứng chỉ có được từ các nền tảng được công nhận bởi các trường đại học uy tín trên thế giới cũng không hề kém cạnh các tấm bằng đại học. Dĩ nhiên nhiều trường đại học vẫn còn những thế mạnh riêng của mình với khi sinh viên ghi danh trực tiếp với trường thì sẽ có nhiều lợi ích khác chứ không chỉ là kiến thức. Đó chính là hệ thống các mạng lưới, các mối quan hệ mà thực tế, nhiều khi còn quan trọng hơn nhiều kiến thức.
Nếu chỉ là nguồn cung cấp kiến thức, thì có lẽ trong tương lai không xa, nhiều trường đại học trong nhóm ngành xã hội, kinh tế-tài chính, hay thậm chí công nghệ thông tin sẽ không còn khả năng cạnh tranh với các nền tảng online này. Đó là chưa kể trong một số lĩnh vực, một số giảng viên hay chuyên gia đã bắt đầu có xu hướng tạo những kênh riêng của mình để truyền đạt kiến thức.
Mặc dù vẫn đang có một lượng lớn người dùng Youtube, Dailymotion, Vimeo tìm các video để học nấu ăn, làm vườn, sửa chửa nhà cửa, học các mẹo vặt trong cuộc sống nhưng xu hướng tự nâng cao, cập nhật kiến thức bài bản ngày càng tăng cho thấy đây là một thách thức lớn đối với hệ thống giáo dục đại học, nhưng lại là cơ hội lớn cho những nền tảng, những người nắm bắt được xu thế.
Cái khó ở game (cuộc chơi) này là người học phải biết gạn đục khơi trong, và người cung cấp phải nỗ lực để vượt trội và định vị ở trong nhón được ưa chuộng nhất.