Gỡ bỏ Giãn cách, rồi sao nữa ?
Ghi chú: bài viết đã gửi cho báo trước đó ngày 13/09, nhưng TP có sự thay đổi quyết định nên bài bị hoãn lại. Tối hôm qua 25/09 nghe tin Đan Mạch đã trở lại bình thường sau khi 85% dân số đã chích vắc-xin, ra đường không cần khẩu trang nữa, tỷ lệ ca nặng và tử vong do Covid giảm rất đáng kể.
Theo kế hoạch dự kiến, Tp. Hồ Chí Minh sẽ mở cửa để phục hồi kinh tế từ ngày 16/09 qua 3 giai đoạn và dựa trên 5 nguyên tắc. Trọng tâm vẫn là sức khỏe của người dân và tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo tình hình thực tế của từng địa bàn. Nhưng với nguồn lực hạn chế thì phải có sự đánh đổi các ưu tiên. Nhiều nước trên thế giới sau một thời gian giãn cách toàn bộ đã mở cửa trở lại, những kinh nghiệm đó có thể giúp gì cho thành phố ?
Thay đổi tiêu chí đánh giá
Covid-19 với các biến thể của mình đã khiến cho các kịch bản phòng chống dịch trở nên bất định. Các chính phủ và người dân đành phải chấp nhận việc “quay đầu xe” là hoàn toàn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào khi tình hình dịch bệnh thay đổi. Tuy vậy, có một điều được chấp nhận rộng rãi là khi tỷ lệ bao phủ vắc-xin rộng, số ca nhiễm nặng và sức ép đối với hệ thống y tế được giảm thì có thể tính đến việc mở cửa lại nền kinh tế, và chấp nhận sống chung với con vi-rút quái ác này.
Chính vì vậy, giai đoạn này của Tp.HCM cần thay đổi các tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả phòng chống dịch. Đã có nhiều phân tích, quan điểm cho rằng quan trọng lúc này là số ca mắc covid chuyển nặng, khả năng chịu đựng của hệ thống y tế dù biết rằng trước khi dịch bệnh xảy ra, hệ thống y tế của thành phố cũng đã chịu nhìu sức ép. Bởi vì, không chỉ bệnh nhân covid nặng cần cấp cứu, mà các trường hợp các cấp cứu khác cũng cần nguồn lực cứu chữa, từ đội ngũ y tế đến cơ sở hạ tầng.
Nhớ lại khi hệ thống bệnh viện của một số vùng ở nước Pháp bị quá tải năm ngoái, hệ thống thông tin kết nối cho biết những bệnh viện vùng phụ cận nào còn có khả năng tiếp nhận để chia lửa cho những bệnh viện đã quá tải, thậm chí có những trường hợp được vận chuyển bằng trực thăng. Bình thường, các bệnh viện ở thành phố là tuyến cuối, nhưng trong trường hợp này, các tỉnh thành lân cận còn khả năng tiếp nhận có chịu chia lửa cho thành phố ? hay vì giữ thành tích mà sẽ làm ngơ ?
Bên cạnh khả năng chịu đựng của hệ thống y tế là tỷ lệ bao phủ vắc-xin. Có một yếu tố có liên hệ mật thiết với khả năng chịu đựng của hệ thống y tế đó là ưu tiên vắc-xin cho người cao tuổi, người có bệnh nền. Chính vì vậy mà ở nhiều nước, các đợt chích vắc-xin đầu tiên là ưu tiên trước cho lực lượng y tế, tiếp đến là đến nhóm này. Bởi vì nếu nhóm này không may bị nhiễm, thì xác suất cần cấp cứu là rất cao. Mà một trường hợp cấp cứu thì phải huy động rất nhiều nguồn lực y tế. Ví dụ như một ICU ở Pháp cần ít nhất 5-7 người.
Khi kinh tế mở cửa thì cũng là lúc ưu tiên vắc-xin cho các nhóm giữ vai trò huyết mạnh trong lưu thông hàng hóa dịch vụ. Nhân viên tính tiền ở siêu thị, người làm dịch vụ giao hàng là những nhóm nghành nghề được ưu tiên để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. Ví dụ như ở Pháp, nhân viên vệ sinh đô thị cũng là nhóm ưu tiên, vì nếu không được chích vắc-xin sớm, họ sẽ không chịu đi làm vì đối với họ, khả năng tiếp xúc và lây nhiễm cao khi các trường hợp tiếp xúc rộng.
Nguyên tắc thay quy định
Trong kế hoạch phòng chống dịch mới đây, thành phố đã dùng từ “nguyên tắc” và người viết thấy cách tiếp cận này là rất hợp lý, hy vọng các cấp thực hiện bên dưới hiểu và thực hiện đúng chỉ đạo này.
Trong quản lý giám sát, có 2 cách tiếp cận là dựa trên quy định cụ thể (rules based) và dựa trên nguyên tắc (principles based). Bởi vì diễn biến dịch bất định, diễn ra trong thời gian ngắn, các tình huống phát sinh là không thể kiểm soát nên không thể nào dựa trên các quy định. Và bằng chứng là những trường hợp dở khóc dở cười thời gian qua khi quy định danh sách hàng hóa thiết yếu, các công việc được cấp giấy đi đường.
Với cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc, thì chỉ cần tuân thủ khoảng cách tối thiểu, khử khuẩn diệt trùng, có khẩu trang và đã chích vắc-xin thì khi mở cửa, các hoạt động đáp ứng được những nguyên tắc này đều được hoạt động bình thường. Lấy ví dụ như khi mở cửa trở lại, các nhà hàng ở Pháp quy định tối đa một bàn có 6 người, hiện nay cần thêm chứng nhận đã chích vắc-xin. Trước đây khi còn phong tỏa, các cửa hàng cung cấp dịch vụ thiết yếu cần đáp ứng đủ tiêu yêu cầu 8m2/khách hàng là có thể mở cửa. Mà định nghĩa thiết yếu không chỉ là hàng hóa, mà còn là dịch vụ. Ví dụ sửa chửa điện nước, phương tiện làm việc như máy tính, máy in cũng coi là thiết yếu. Thậm chí sau một thời gian, sách cũng được coi là thiết yếu ở Pháp.
Các nhóm ngành nghề, các hoạt động sản xuất kinh doanh ít có tiếp xúc giữa người với người thì cần nới lỏng và khuyến khích. Cụ thể như các việc mua hàng bằng cách đặt hàng trước rồi đến lấy
Các doanh nghiệp trước đây vẫn duy trì hoạt động thì việc mở cửa sẽ phải nới lỏng hơn các quy định trước đây, cũng chuyển sang giám sát theo nguyên tắc. Ví dụ như doanh nghiệp vẫn có thể phát sinh ca nhiễm, nhưng nếu không vượt một ngưỡng nhất định về số ca nặng thì vẫn duy trì hoạt động bình thường. Như ở Pháp, nếu người lao động bị nhiễm thì tự cách ly ở nhà 1 tuần, các trường hợp tiếp xúc gần thì làm kiểm tra xem có bị nhiễn hay không.
Việc đương đầu với covid-19 còn nhiều khó khăn và phức tạp phía trước và các chính sách cần linh động theo thực tế tình hình. Tuy vậy, với việc vắc-xin được bao phủ rộng, chủ yếu cho các nhóm ưu tiên như đã đề cập ở trên thì việc sống chung với covid và phục hồi nền kinh tế là điều có thể thực hiện. Vấn đề yếu kém theo đánh giá chung hiện nay là năng lực thi hành ở cấp trực tiếp với người dân và doanh nghiệp.
Do đó, rất cần việc truyền tải thông điệp rõ ràng đến những người thừa hành là nguyên tắc quan trọng hơn quy định cụ thể, và phải linh động, nếu là tốt cho dân, cho doanh nghiệp, không vi phạm nguyên tắc, thì cần được tạo điều kiện nhiều nhất có thể.