Giám sát giao dịch chứng khoán tự động.
Sàn giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) thời gian qua bị nghẽn lệnh được cho là do ba nguyên nhân chính: hệ thống cũ, số lượng nhà đầu tư tăng, và giao dịch tự động. Nhưng ngay cả khi hệ thống được nâng cấp, việc giám sát các giao dịch tự động cũng rất cần được chú ý vì sự ổn định của thị trường và giữ được niềm tin của nhà đầu tư.
Giao dịch chứng khoán điện tử đầu tiên trên thế giới là vào năm 1969 ở sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq (Mỹ). Cùng với sự phát triển của Internet và các chương trình máy tính, giao dịch điện tử đã chuyển sang một tầm cao mới: giao dịch tự động (bot) hay giao dịch tần suất cao (High Frequency Trading- HFT). Bên cạnh những lợi ích như tăng tính thanh khoản, tăng tính hiệu quả của thị trường thì giao dịch bot hay HFT lại có những mặt trái cần giám sát và hạn chế. Và đặc biệt là với giao dịch HFT.
Sự lạm dụng HFT để thao túng, trục lợi thì thị trường đã không còn là chuyện hiếm. Lịch sử thị trường chứng khoán thế giới đã chứng kiến một cú sập đột ngột (flash crash) của chỉ số Dow Jones ngày 06/05/2010. Khi đó, chỉ trong vòng 4 phút 28 giây (từ 14h41’ đến 14h45’28”) chỉ số này mất gần 1000 điểm. Khi kết quả điều tra được công bố, mọi người mới biết được rằng đó là do hành vi thao túng của Navinder Singh Sarao, một trader chuyên nghiệp trên sàn giao dịch hợp đồng tương lai (futures).
Cụ thể, Sarao đã thực hiện spoofing[1] trên sàn giao dịch hợp đồng tương lai E-mini S&P, chỉ thực hiện 81 lệnh trong số 81.000 lần điều chỉnh lệnh và trong ngày lịch sử đó, Sarao đã kiếm được khoảng 900.00 USD trong khi thị trường bị bốc hơi gần 1000 tỉ USD. Với phương thức này, đến khi bị phát giác, Sarao đã kiếm lợi được gần 13 triệu USD chỉ sau vài năm. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã chứng kiến nhiều trường hợp kinh điển khác như vụ Michael Coscia và vụ của Andre Flotron.
Tuy vậy, việc phát giác và xử lý việc lạm dụng HFT để thao túng thị trường cũng không hề dễ dàng. Một khía cạnh pháp lý quan trọng và khó phân định rõ ràng là yếu tố “scienter”, có thể hiểu là lỗi vô ý vì cẩu thả, và “mens era”, yếu tố chủ quan của hành vi phạm tội. Bởi vì trong giao dịch chứng khoán, nhiều loại lệnh cho phép sửa đổi hay hủy lệnh như: Fill or Kill (lệnh được thực hiện toàn bộ lập tức hoặc hủy), Stop-loss (thực hiện ở 1 mức giá thiết lập trước), All or None (cũng giống như FoK nhưng có thể chờ đến khi thực hiện toàn bộ hoặc hủy), Iceberg order (một phần lệnh được thấy bởi các nhà đầu tư khác), và Passive Order (bán với giá cao hơn, được giữ trong một khoảng thời gian ngắn).
Nhưng vỏ quýt dày thì cần có móng tay nhọn. Các thủ thuật như spoofing, layering[2], wash trading[3] bị các cơ quan quản lý Mỹ đưa vào tầm ngắm khi bị ra-đa phát hiện khi có tỷ số lệnh bị hủy cao, từ 90% chẳng hạn, và do các công ty đầu tư chuyên nghiệp, chuyên dùng HFT. Ở nhiều thị trường, việc phát hiện các gian lận này được thực hiện cả tự động lẫn thủ công, mục đích là phát hiện các dấu hiệu bất thường như: số lần chỉnh sửa lệnh lớn, số lượng lệnh khớp rất nhỏ so với số lệnh đã đặt, đặt nhiều lệnh ở nhiều mức giá khác nhau rồi hủy trước khi được thực hiện, lịch sử giao dịch, khoảng thời gian giao dịch trước khi một lượng lớn lệnh bị hủy, và sự mất cân đối lớn trong sổ lệnh của công ty.
Kinh nghiệm giám sát thị trường chứng khoán của các nước phát triển có thể được các thị trường đang phát triển khác tham khảo trong việc phòng chống spoofing ở những điểm sau. Thứ nhất, việc giám sát được thực hiện bởi nhiều cơ quan khác nhau. Ví dụ như ở thị trường Mỹ đó là Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC), Ủy ban Chứng khoán (SEC), Cơ quan Giám sát Thị trường Tài chính (FINRA), Bộ Tư Pháp (DOJ), và ngay cả các sàn giao dịch chứng khoán cũng có thể có quy định riêng của mình.
Thứ hai, là việc ban hành các quy định pháp luật chặt chẽ, và việc thực thi nghiêm minh. Thị trường chứng khoán Mỹ đã có sự thay đổi lớn với Luật Dodd-Frank năm 2010, trong đó có điều khoản cấm hành vi đặt lệnh giả (non-bona fide). Thị trường chứng khoán châu Âu có quy định Giám sát Lạm dụng Thị trường (MAR) có hiệu lực từ 2016 và đặc biệt là MiFID II.
Cùng với việc dự kiến nâng lô giao dịch lên 1000, khi có thông tin sàn HoSE sẽ cấm sửa đổi hay hủy lệnh thì lập tức giới quan sát thị trường tài chính quốc tế đã bày tỏ sự quan ngại với những thông tin phát đi từ Việt Nam. Không biết rằng những động thái này có ảnh hưởng như thế nào đến việc duy trì danh mục hay giảm tỉ trọng thị trường Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng chắc chắc rằng nếu thực hiện, điều này chỉ mang lại những bất lợi.
Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán cũng có quy định về hành vi thao túng thị trường nhưng chưa tính đến các hành vi thao túng qua spoofing, các hành vi trục lợi từ HFT.
Chính vì vậy, các cơ quan quản lý cần bám sát và cố gắng dự báo sự phát triển của thị trường, mặc dù biết rằng thực tế thị trường luôn đi trước các quy định pháp luật. Bên cạnh các cơ quan quản lý chuyên trách, và luật chuyên ngành, thì cũng cần có cơ quan quản lý thị trường tài chính nói chung và các quy định pháp luật chặt chẽ tương ứng. Ngoài ra, phát triển sự cạnh tranh của các sàn giao dịch, các sàn có quy định riêng của mình để thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.
Nhưng quan trọng hơn hết là tính thực thi nghiêm minh của pháp luật. Mức xử lý hành chính hiện nay chỉ cao nhất ở Việt Nam là 1,5 tỉ đồng không thể đủ tính răn đe, việc chuyển sang hình sự các vi phạm cũng còn nhiều dấu hỏi lớn. Việc ngăn cấm có thời hạn những vi phạm nghiêm trọng cũng nên cân nhắc có cần cấm vĩnh viễn, vì như một số trường hợp bị cấm 1-2 năm ở Mỹ, nhiều người cho rằng chẳng khác nào cho các cao thủ này nghỉ ngơi, có thời gian luyện công để tung ra những tuyệt kỹ mới.
[1] Theo đó, spoofer sẽ đưa một lượng lớn lệnh bán hay mua lên hệ thống với chênh lệnh giá hiện tại rất nhỏ vào danh sách lệnh chờ (limit order book). Lúc này thị trường sẽ có những nhà đầu tư thấy tín hiệu và sẽ lao theo. Chỉ chờ có vậy, spoofer sẽ có lệnh ngược mua vào, và hủy số lượng lớn lệnh đã đặt lúc nãy. Việc này diễn ra trong thời gian rất ngắn, có thể chỉ vài phút nhưng nếu lặp đi lặp lại hàng trăm hay hàng ngàn lần thì khoản thu lợi dồn tích sẽ rất lớn [2] một dạng spoofing nhưng theo hướng chia thành nhiều lệnh nhỏ hơn với nhiều mức giá chênh lệch nhau ít. [3] mua-bán đồng thời để tạo thanh khoản giả dựa vào khối lượng giao dịch.