Ba cái khó của 'gig economy' và chính sách
Người lao động ngày nay có thể chọn lựa một trong ba hình thức làm việc: làm nhân viên cho chỉ một tổ chức, vừa làm nhân viên vừa làm thêm cho nhiều tổ chức hay cá nhân khác, và chỉ làm cho nhiều tổ chức hay cá nhân theo lựa chọn của mình. Trong số này, hình thức thứ ba có xu hướng ngày càng phổ biến vì mong muốn được tự do, linh hoạt của người lao động.
Sự bùng nổ của các nền tảng kết nối (platform) đã tạo ra một nền kinh tế mới với nhiều tên gọi khác nhau như “gig economy”, “sharing economy”, và “collaborative economy”. Bên cạnh cái được lớn nhất là giảm chi phí, tối ưu nguồn lực của xã hội thì quyền lợi của người lao động thông qua các platform là một vấn đề đang làm khó nhiều nhà hoạch định chính sách.
Cái khó đầu tiên và thu hút nhiều quan tâm nhất là xác định mối quan hệ giữa doanh nghiệp cung cấp platform và người lao động. Trong bài viết Tranh cãi về việc bảo vệ người lao động trong nền kinh tế GIG (đăng trên TBKTSG số ra ngày 29-10-2020) các tác giả đã chỉ ra những vấn đề khi người lao động không được coi là nhân viên của doanh nghiệp cung cấp platform, và mong muốn có những chính sách phù hợp.
Vậy các chính sách sẽ theo hướng nào?
Cả người lao động và doanh nghiệp cung cấp platform dĩ nhiên không muốn mối quan hệ lao động là nhân viên - người sử dụng lao động. Bởi lẽ, gánh nặng chi phí lao động của doanh nghiệp sẽ tăng, chưa kể các vấn đề liên quan đến công đoàn của người lao động. Còn về phía người lao động thì rõ ràng không muốn gắn chặt với chỉ một nơi, thiếu sự linh động và tự do trong thời gian làm việc.
Nhưng trong trường hợp người lao động là bên cung ứng dịch vụ độc lập thì nhiều khả năng quyền lợi của người lao động không được bảo vệ. Chính vì vậy nhà chức trách ở một số nơi quy định trạng thái hỗn hợp (hybrid) là không xác nhận mối quan hệ nhân viên nhưng phải đảm bảo một số quyền của người lao động, như tài xế Uber ở Anh được có lương tối thiểu và nghỉ phép có lương.
Nhưng nếu người tài xế hoạt động cùng lúc trên nhiều platform thì câu chuyện sẽ khác đi. Một số quyền lợi của người lao động sẽ do doanh nghiệp platform nào gánh chịu? Khác với Anh hay Mỹ, vấn đề này ở Pháp trở nên đơn giản hơn với việc người tài xế phải chọn một trong những hình thức pháp nhân nào phù hợp nhất với mình. Và Pháp thực hiện được là vì họ có hệ thống bảo hiểm xã hội tương thích với các hình thức này cũng như có quy định mức lương tối thiểu theo giờ và giá dịch vụ tối thiểu.
Cái khó thứ hai là thu nhập của người lao động ở những platform chỉ thực hiện trung gian kết nối, cụ thể là chậm thanh toán hay không được thanh toán. Việc làm qua platform không chỉ là dịch vụ đặt xe, giao hàng, mà còn rất nhiều loại hình công việc khác. Chẳng hạn, nhạc sĩ, họa sĩ, lập trình viên, đồ họa viên, huấn luyện viên, giáo viên, kế toán, người sửa chữa nhà cửa... đều có thể tham gia nhiều platform để tăng thêm thu nhập hay tạo nguồn thu nhập chính cho mình. Rất nhiều trường hợp xảy ra là sau khi được kết nối với nhau thông qua platform, việc thỏa thuận và thực hiện chỉ còn là giữa hai bên, và phần thiệt thường nghiêng về phía người lao động.
Cái khó thứ ba là đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh với các doanh nghiệp truyền thống cung cấp dịch vụ tương tự, chủ yếu qua các chính sách thuế và điều kiện kinh doanh. Nhiều dịch vụ được cung cấp bởi cá nhân ngày nay có mức giá rất cạnh tranh với dịch vụ tương tự của doanh nghiệp vì thuế phải nộp thấp hơn hay điều kiện kinh doanh không khắt khe như doanh nghiệp. Một ví dụ là trách nhiệm với bên thứ ba của người cung cấp dịch vụ, nếu là doanh nghiệp thì trách nhiệm với bên thứ ba sẽ được đảm bảo nhiều hơn trong trường hợp không may tai nạn xảy ra.
Trong ba cái khó được đề cập ở trên, cái khó thứ hai phụ thuộc nhiều vào giải pháp của platform, tức là hệ thống đánh giá xếp hạng thành viên công bằng, minh bạch. Điều này cũng cần nhờ vào các giải pháp mở (open sources) của cộng đồng cũng như sự chính trực của các thành viên tham gia.
Cái khó thứ ba thì là sự khéo léo và hiệu quả của chính sách của từng nước khác nhau. Có những giai đoạn cần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và sự năng động của nền kinh tế thì cần ưu tiên hơn cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp cá nhân. Nhưng về dài hạn, các yêu cầu tối thiểu về an toàn của cộng đồng, trách nhiệm xã hội đều phải như nhau với bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào.
Đối với cái khó thứ nhất, điều cần trước hết là xây dựng được hệ thống bảo hiểm xã hội cho những người lao động tự do, như một số nước trên thế giới đã có. Tiếp đến là quy định tiền lương tối thiểu theo giờ, căn cứ vào điều tra mức sống tối thiểu thực tế. Như trường hợp của Việt Nam, mặc dù đã có lương tối thiểu nhưng hiện nay vẫn là lương tối thiểu theo tháng và tiêu chuẩn mức sống tối thiểu vẫn còn rất thấp. Do đó, trong trường hợp mức lương tối thiểu có đáp ứng được 100% mức sống tối thiểu thì cũng chưa chắc đảm bảo đời sống của người lao động có mức tích lũy, nghỉ ngơi, và giải trí.
Cuối cùng là việc định giá dịch vụ tối thiểu của từng loại dịch vụ để đảm bảo lợi ích của người lao động. Điều này phải có được từ sự đàm phán, thỏa hiệp giữa ba bên: đại diện nhóm nghề nghiệp, cơ quan quản lý cạnh tranh của Nhà nước, và đại diện bảo vệ người tiêu dùng. Làm được như vậy sẽ tránh cạnh tranh khốc liệt về giá giữa các platform nhưng phần thiệt thì đẩy về phía người lao động.
Tuy nhiên, muốn có được chính sách phù hợp, hiệu quả thì cần có số liệu đáng tin cậy về việc làm từ các platform. Cần biết được trong số những lao động này, bao nhiêu thực sự là chỉ muốn tăng thêm thu nhập khi đã có một công việc ổn định khác bên cạnh, còn bao nhiêu xem việc làm từ các platform là nguồn thu nhập chính. Ngoài ra, các đặc điểm về cấu trúc độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn, loại hình công việc, thời gian hoàn thành công việc cũng là những thông tin rất cần thiết cho việc hoạch định chính sách.
Bài đã đăng ở đây