Đầu tư chứng khoán: tay chuyên hay tay mơ?
Phiên giao dịch ngày 28-1-2021 là một ngày lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam khi có lúc cả 30 mã cổ phiếu của chỉ số VN30 đồng loạt giảm sàn. Những đợt điều chỉnh mạnh sau một thời gian tăng nóng là quy luật chung của thị trường nhưng đối với những nhà đầu tư cá nhân mới tham gia vào những tháng gần đây, đó thực sự là một cú sốc lớn.
Điều đáng quan tâm là có bao nhiêu trong số này tự nhìn lại mình, để xác định mình là tay mơ hay tay chuyên.
Nhà đầu tư cá nhân, về cơ bản là bên yếu thế trên thị trường khi so với các nhà đầu tư tổ chức, các công ty chứng khoán. Nhưng trong nhóm nhà đầu tư cá nhân, chỉ có một số rất ít là chuyên nghiệp, còn phần còn lại là nghiệp dư. Vậy những điểm khác nhau là gì?
Những nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp thường là những người đã có nhiều năm kinh nghiệm đầu tư, từng làm việc cho một hay nhiều tổ chức trước đó, sau khi tích lũy đủ một lượng vốn nhất định thì ra riêng, tự đầu tư hoặc nhận ủy thác đầu tư cho một nhóm nhỏ. Cũng có thể có trường hợp là những người đang làm công việc chính là đầu tư ở một tổ chức, rồi đầu tư riêng song song cho bản thân mình.
Là chuyên nghiệp nên họ xem đây là công việc chính, tạo nguồn thu nhập chính, và do đó đầu tư nhiều thời gian, nguồn lực. Chẳng hạn họ phải đầu tư mua hệ thống dữ liệu, gói dịch vụ chuyên nghiệp từ nhà môi giới, xây dựng hệ thống giao dịch, hệ thống cảnh báo hay bắt tín hiệu, hệ thống kiểm chứng (back test). Ngoài ra, họ cũng phải dành rất nhiều thời gian để theo dõi thị trường.
Trong đó, sự khác biệt lớn nhất với nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt ở các nhà đầu tư trẻ tuổi là ở vốn đầu tư ban đầu. Lấy một ví dụ đơn giản nếu tỷ suất lợi nhuận mục tiêu là 15%/năm, để có được thu nhập 20 triệu đồng/tháng hay 240 triệu đồng/năm thì nhà đầu tư cần có số vốn là 1,6 tỉ đồng (ở đây không tính tới dùng đòn bẩy).
Còn nếu với số vốn chỉ là 100 triệu đồng chẳng hạn, dù tỷ suất lợi nhuận là 15% (không hề dễ chút nào) thì tính ra mỗi tháng thu nhập chỉ có 1,25 triệu đồng. Như vậy, nếu nhà đầu tư dán mắt vào màn hình cả ngày, để được thu nhập như vậy (nhiều rủi ro) thì có đáng hay không?
Sự khác biệt còn ở chi phí giao dịch, mà rất ít nhà đầu tư mới tham gia thị trường thấy được. Mức giá mà công ty chứng khoán hay môi giới niêm yết trên cổng giao dịch của họ là khác với giá ở sàn giao dịch trung tâm (gọi là spread), và mức độ chênh lệnh tùy thuộc vào nhà môi giới, vào loại khách hàng.
Ngoài ra, còn có phí giao dịch trên mỗi lệnh mua, lệnh bán. Nhà đầu tư chuyên nghiệp sử dụng gói dịch vụ cao cấp, giao dịch nhiều thì chi phí giao dịch sẽ giảm đáng kể. Còn nhà đầu tư nghiệp dư, càng mua bán nhiều, chi phí càng cao. Đó là chưa kể các loại thuế phát sinh khi có lãi từ vốn.
Một cái bẫy thường thấy đối với nhà đầu tư mới là tham gia khi thị trường đang ở giai đoạn nóng chuẩn bị điều chỉnh mạnh. Lúc thị trường đang hưng phấn, lợi nhuận đến dễ thì sẽ tự tin vào khả năng của mình, chủ quan ở các quyết định mua bán tiếp theo mà không biết rằng chủ yếu là do may mắn. Khi thị trường điều chỉnh mạnh sẽ bị hoảng loạn, lúc đó lại rất dễ ra các quyết định sai lầm.
Trong tài chính, có một sự phân biệt rất rõ giữa đầu tư (investing) và mua bán (trading) chứng khoán. Đầu tư phải gắn với khung thời gian nhất định, ít ra cũng phải 3-5 năm và dựa trên những nguyên tắc đầu tư giá trị. Còn mua bán liên tục trong ngắn hạn thì dựa vào xu hướng, vào dòng tiền, và tâm lý của thị trường. Nhiều nhà đầu tư mới không phân biệt được điều này, cứ nghĩ mình đang “investing” mà thật ra là đang “trading”, dù mình không đủ điều kiện để là nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Ngoài ra, giá cổ phiếu của một số công ty không là tuyến tính 1:1 với thị trường. Có những cổ phiếu có độ tương quan mạnh hơn, yếu hơn, hay chẳng hề liên quan với thị trường. Mà điều này dễ bắt gặp ở thị trường Việt Nam khi có những cổ phiếu tăng/giảm một cách kỳ lạ so với thị trường: cả thị trường giảm thì anh tăng trần, thị trường tăng thì anh lại giảm đáy.
Đầu tư chứng khoán đúng với bản chất của nó, là một kênh đầu tư hiệu quả khi đầu tư trung và dài hạn vào những doanh nghiệp tốt, có tiềm năng phát triển. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những thị trường đầy tiềm năng trong nhóm thị trường mới nổi (bao gồm cả nhóm thị trường cận biên) khi tỷ suất sinh lời năm năm vừa qua của VN30 ở mức 80%.
Vì vậy, nếu thấy mình không đủ điều kiện để là một nhà đầu tư chuyên nghiệp, thay vì mua bán liên tục hãy thiết lập cho mình một chiến lược đầu tư trung - dài hạn. Với những nhà đầu tư có vốn nhưng không có thời gian và am hiểu thị trường, nên ủy thác đầu tư cho nơi đáng tin cậy. Còn với các nhà đầu tư trẻ tuổi, nên tập trung chính vào công việc chính của mình, tăng thu nhập, tăng tích lũy, và chỉ đầu tư từ tiền nhàn rỗi. Khi thị trường có nhiều nhà đầu tư cá nhân thật sự, thị trường sẽ phát triển ổn định bền vững.
Bài đã đăng ở đây: https://www.thesaigontimes.vn/313437/dau-tu-chung-khoan-tay-chuyen-hay-tay-mo.html