Chàng-Ngốc-Già mến chào các bạn,
Tuần rồi kinh tế thế giới có lẽ quan trọng nhất là cuộc họp của Fed, với quyết định giữ nguyên lãi suất và tiếp tục gửi đi thông điệp “có thể“ giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024 này, trong bối cảnh lạm phát vẫn dẻo dai (sticky) và sức khỏe của kinh tế Mỹ vẫn ổn. Cùng với đó, Thụy Sỹ là nước phát triển đầu tiên hạ lãi suất và ECB cũng rất gần với việc giảm lãi suất.
Chỉ có mấy anh Nhật Bản là vẫn đi ngược sóng, khi tuần rồi quyết định kết thúc thời kỳ lãi suất âm, tăng lãi suất sau 17 năm, cùng với đó là bỏ kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu (YCC Yield Curve Control). Lý do là gần đây các doanh nghiệp Nhật tăng lương, chi phí đời sống tăng, và BoJ muốn kiểm soát lạm phát mục tiêu 2%.
Liên quan đến chuyện tham nhũng, tuần rồi trên PS có một bài tựa là “Mismeasuring Corruption Lets Rich Countries Off the Hook“ chỉ ra rằng việc đo lường tham nhũng theo PCI (Transparency International’s Corruption Perceptions Index) không lột tả được hết mức độ tham nhũng của các nước phát triển.
Luận điểm này được ủng hộ là bởi vì ở các nước phát triển, việc tham nhũng rất tinh vi, và chỉ có một bộ phận nhỏ là có thể làm được (chính trị gia, chóp bu, tài phiệt). Trong khi đó ở các nước nghèo thì tham nhũng phổ biến hơn, ở nhiều tầng, càng ở tầng dưới thì càng tham nhũng vặt.
Chuyện tham nhũng cũng là chuyện rent-seeking hay value creation trong sự phát triển của một đất nước. Rent-seeking là việc trục lợi, hay có được lợi ích kinh tế từ việc thao túng, lobby, độc quyền, hưởng lợi từ hỗ trợ của chính phủ (tiền thuế của dân), chính sách ưu đãi về thuế, quotas, ... Giai đoạn phát triển tư bản hoang dã thường là giai đoạn rent-seeking nhiều nhất, còn khi phát triển rồi thì mức độ của nó sẽ tinh vi hơn.
Tuần rồi trong nước cũng nổi lên chuyện một chủ tịch huyện bị lừa đảo hơn 100 tỷ đồng, nhiều khả năng là bị chiếm đoạt tài khoản online. Đây cũng là một cảnh báo về việc lưu ý đến vấn đề bảo mật, thận trọng trong việc sử dụng tài khoản online.
Trong tuần rồi mình vô tình đọc được 1 post trên FB của anh Linh, nói về chuyện NIM, là mức sinh lời từ hoạt động tín dụng của ngân hàng. NIM = Net Interest Margin = (Thu nhập lãi – Chi phí lãi)/Tổng tài sản sinh lãi.
Một quan sát thú vị là NIM của nhóm NHCP tư nhân cao hơn nhóm Nhà nước. Lý do thì có một số được đưa ra như phần bù cho mức độ rủi ro (không thuyết phục cho lắm), chi phí vốn khác nhau (cũng không thuyết phục cho lắm). Cái quan trọng theo mình là nhu cầu vay cao trong khi vốn rẻ không còn (chạy đâu thì chỉ vài người biết), và phải chịu vay với lãi suất cao. Mà vì sao không ăn lời ít lại ? Rồi lợi ích đằng sau các NHTM Tư nhân là của ai? Mình gợi ý mấy câu hỏi vậy thôi.
Trong tuần mình cũng đọc được một bài viết về Harry Markowitz, người đặt những nền móng quan trọng của tài chính hiện đại. Các bạn có thể đọc thêm ở link:
https://cepr.org/voxeu/columns/harry-markowitz-and-foundations-modern-finance
Cuối cùng thì mình cũng chia vui với các bạn là đã hoàn thành lớp crypto lần 2, và chuẩn bị khai giảng Kinh-Tài X2024 (đã đóng sổ). Nếu các bạn quan tâm đến lớp crypto lần 3 và Kinh-Tài H2024 thì có thể pre-book từ bây giờ.
Các thông báo mình để ở đây:
https://prime.changngocgia.com/c/thongbao/
Mến chúc các bạn một tuần mới nhiều năng lượng tích cực, gặp được nhiều chuyện vui.
Chàng-Ngốc-Già