Chàng-Ngốc-Già mến chào các bạn,
Thứ Sáu ngày 10/11 vừa qua là kết thúc của Kỳ họp thứ 6 (đợt 1), Quốc hội khóa XV. Một số “nhiệm vụ“ mà Quốc hội giao cho Chính phủ như sau: tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024 được xác định là 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4700 usd; chỉ số giá tiêu dùng (lạm phát) bình quân 4-4,5%; và năng suất lao động xã hội bình quân tăng 4,8-5,3%.
Sở dĩ các mục tiêu này quan trọng là bởi vì dựa vào đó mà Chính phủ sẽ xây dựng các chương trình hành động cho năm sau, ban hành các Nghị quyết.
Phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024 cũng được Quốc hội thông qua, mình search tài liệu đính kèm mà không tìm được, chắc phải hỏi xin mới có 😂. Hay bạn nào sẵn có thì cho mình xin, đỡ mất công. Những ai có công chuyện liên quan đến đầu tư công, chi ngân sách thì nhất định phải biết các đầu mục lớn này.
Tuần rồi trong nước cũng nổi lên chuyện đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Việc đấu giá 3 mỏ cát gần đây ở Hanoi cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm khiến cơ quan quản lý phải chú ý: có hiện tượng làm giá hay trước đây ngân sách bị thất thoát ?
Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam mình, năm 2022 là 11 tỷ usd. Nhưng hiện nay vẫn đang bị ”thẻ vàng”, và 4 lần đoàn thanh tra của ủy ban châu Âu qua nhưng vẫn chưa gỡ được. Vì nếu chuyển sang thẻ đỏ thì coi nhưng thị trường EU bị mất.
Tuần sau dự kiến Tập Cận Bình sẽ gặp Joe Biden ở San Francisco. Giới quan sát sẽ để ý kỹ coi cú bắt tay lần này sẽ như thế nào, vì 2 cường quốc trước giờ vẫn bằng mặt mà không bằng lòng với nhau, cũng như nhiều hoạt động de-risking của Mỹ trong thời gian gần đây.
Nhiều người đều biết, đầu tư cổ phiếu trong dài hạn sẽ có được một tỷ suất sinh lợi đáng kể, như trong cuốn sách nổi tiếng của Prof. Jeremy Siegel “Stocks for the Long Run“ là trung bình 6,5%/năm sau khi trừ đi lạm phát. Thế nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ như mấy thập niên mất mát của Nhật Bản.
Chỉ số Nikkei 225 đến bây giờ cũng chưa quay được về lại đỉnh lúc 1989. Tuy nhiên, với ai đầu tư đều đặn thì dù có đu đỉnh thì cũng tích lũy một khoản đáng kể. Từ 2010 đến nay thì trung bình return của Nhật là 7,4%.
Tuần rồi Project-Syndicate có 1 bài giải thích về chênh lệch giàu nghèo giữa nam và nữ cũng khá thú vị. Không chỉ do sự khác biệt về tiền lương (thu nhập) mà sự khác biệt về tài sản cũng là một vấn đề lớn. Nam giới có xu hướng được được hưởng thừa kế nhiều hơn, và chúng ta đang ở trong một nền kinh tế tài sản “asset economy“. Nghĩa là được thừa kế một tài sản lớn thì lương và thu nhập khó theo kịp.
—
Cùng với Đức làm thực hiện series tiền Dại tiền Khôn thì mới đây mình cùng với Linh bắt đầu một series podcast có tên “Rèn còn dùng tiền“. Mến chia sẻ cùng mọi người:
https://www.youtube.com/@FIN4TEENS
Mến chúc các bạn một tuần mới hiệu quả và nhiều năng lượng tích cực.
Chàng-Ngốc-Già
cảm ơn thầy, chúc thầy một tuần làm việc vui vẻ và đạt hiệu quả