Chàng-Ngốc-Già mến chào các bạn,
Như vậy là tuần đầu tiên của năm 2024 đã qua, 1 năm nghe nói thấy lâu chứ 50 cái cuối tuần là hết pà nó 1 năm rồi.
Trong nước tuần rồi có cái tin đáng chú ý là “khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được ”bơm” vào nền kinh tế“. Đọc tin này thì mình nghĩ nhiều bạn sẽ nghĩ ngay đến lạm phát, đến ‘‘bơm tiền’’.
Nhưng thật ra đây là cung tín dụng. Cung tín dụng (credit supply) nó khác với cung tiền (money supply). Mà lạm phát thì đâu chỉ phụ thuộc vào mỗi lượng cung tiền. Cung tín dụng có nhiều hình thức khác nhau, thời hạn khác nhau. Ví dụ bảo lãnh, cho thanh toán chậm cũng là 1 dạng cung tín dụng. Các hợp đồng cho vay tính cho năm nay nhưng dàn trải nhiều năm. Cung tín dụng cũng phụ thuộc nhiều vào khả năng của tổ chức tín dụng.
Tuần rồi với những bạn nào quan tâm đến tài sản số, crypto thì chắc sẽ không bỏ qua những thông tin về việc thông qua spot ETF Bitcoin ở Mỹ. Mình nghĩ là sẽ sớm thôi, có thể ngay trong tháng này. Nhưng sự quan tâm đến #BTC thì không chỉ đến từ ETF mà việc cung cấp sản phẩm đầu tư BTC đã được nhiều định chế tài chính chạy đua thời gian qua. Sinh viên của mình đi thực tập ở 1 Private Banking ở Monaco cho biết đã làm dịch vụ cho các khách hàng ở đây rồi.
Mắc cười nhất là SEC lên thông báo bà con đừng có FOMO tài sản số, ý là crypto/BTC. Khổ. Mình làm cái hình minh họa luôn.
Người được gọi là Godfather của crypto, tiền điện tử là David Chaum mới đây cũng đã chia sẻ là chúng ta cần sửa chữa (fix) hệ thống tài chính hiện tại, nó tạo ra trung gian và sự bất bình đẳng, tầng lớp trung lưu và nghèo ngày càng nghèo.
Ông có 1 dự án tên là “Bettter than Money“, gọi tắt là BTM. Nó chia sẻ những giá trị chung với BTC và những crypto tương tự.
Tuần rồi mình đọc nhiều để tìm tư liệu viết báo Tết, có tập trung vào Trung Quốc và Mỹ thì thấy có những phân tích như sau:
Dường như TQ đã hụt hơi, xu hướng tăng trưởng trong dài hạn chững lại vì cấu trúc dân số, một số thất bại trong chính sách như chính sách 1 con, chính sách hộ khẩu, chính sách thịnh vượng chung. Vấn đề của TQ lúc này là khủng hoảng bất động sản, trái bomb nợ chình ình, sức cầu của thị trường nội địa yếu. Các chính sách của TQ giờ phải theo hướng linh hoạt thích ứng chứ không cứng nhắc mệnh lệnh như trước nữa.
Chuyện của Mỹ thì nổi bật nhất là bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024. Mình trích 1 phần bài báo Tết:
Đầu tiên và quan trọng nhất là trong mối quan hệ với Trung Quốc, với vấn đề Đài Loan. Nếu Trump thắng cử thì căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn sẽ phức tạp hơn, như Trump đã từng tạo ra cuộc chiến tranh thương mại trong nhiệm kỳ trước của mình. Hàng rào thuế quan, các rào cản kỹ thuật sẽ được triển khai tối đa và mạnh mẽ để hạn chế Trung Quốc. Trump có thể sẵn sàng cắt đứt (decoupling) với Trung Quốc trong khi Biden sẽ theo hướng vừa đối đầu vừa tìm những điểm chung để hợp tác. Mỹ cũng sẽ ủng hộ Đài Loan mạnh hơn nếu Trump đắc cử, và sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông cũng sẽ quyết liệt hơn, ủng hộ các nước có tranh chấp với Trung Quốc ở khu vực này.
Vấn đề tiếp theo là đường lối ứng xử của Mỹ đối với các đồng minh của mình, đặc biệt là các nước phương Tây và NATO. Nếu như Biden coi trọng và muốn duy trì phát triển các mối quan hệ này thì Trump lại muốn sòng phẳng hơn với các nước này, giảm sự phụ thuộc của các nước này vào Mỹ. Cách hành xử bộc trực, thẳng thắn của Trump rất dễ tạo ra những khủng hoảng ngoại giao bởi vì phương Tây vốn có truyền thống đề cao và tôn trọng các nguyên tắc (protocol).
Sau cùng, đối với vấn đề biến đổi khí hậu, các chương trình giảm khí thải, năng lượng tái tạo thì không là ưu tiên của Trump. Trong khi đó Biden và đảng Dân chủ đã bỏ ra rất nhiều nỗ lực để vận động và triển khai để có được những kết quả như hiện nay. Nếu Trump thắng cử thì có thể có những cú quay xe, và hệ lụy của nó thì không thể hình dung được. Ví dụ những chương trình hỗ trợ tài chính, những nghiên cứu tốn kém đã được thực hiện, nếu không được tiếp tục thì sẽ không biết ra sao.
Để nhìn nhận về tình hình kinh tế chính trị, thì cũng cần có những góc nhìn dài hạn, mình share lại cho những bạn bị missed cái post trên FB của mình:
Global Economic Outlook 2024 to 2036
Và để kết thúc bản tin tuần này thì mình chia sẻ câu trả lời cho câu hỏi: vì sao có những người giỏi lại thất bại. Ví dụ đá banh giỏi nhưng làm HLV dở, trade giỏi nhưng quản lý quỹ thì từa lưa hột dưa.
Cái đó là do “the Peter Principle“: vì giỏi chuyện này nên đươc thăng chức làm chuyện khác. Để giải quyết vấn đề này thì chỉ có cách … từ chối ngay từ đầu hoặc phải học/rèn để thích ứng. Các bạn có thể tìm thêm cuốn sách bên dưới để đọc.
Mến chúc các bạn một tuần mới nhiều năng lượng tích cực, năng suất cao.
Chàng-Ngốc-Già,
các bạn share giúp là mình đã nhận được lời cảm ơn từ các bạn.